Các giải pháp tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý và đại biểu cơ quan dân cử cấp huyện
Ngày 15/6, tại huyện Quỳnh Lưu, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh phối hợp Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Quỳnh Lưu tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý và cơ quan dân cử cấp huyện. Các đồng chí: Bùi Văn Hưng - Phó trưởng Ban VSTBPN tỉnh, Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH; Trần Thị Thu Hà – Phó trưởng Ban VSTBPN, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có Lãnh đạo Ban VSTBPN các huyện, thị: Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Yên Thành, Diễn Châu và Ban VSTBPN các xã, thj trấn thuộc huyện Quỳnh Lưu
Tại hội thảo, đồng chí Bùi Văn Hưng cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển của phụ nữ, điều này được thể hiện rõ qua các chủ trương, đường lối và chính sách, pháp luật. Tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý, nữ đại biểu cơ quan dân cử là chỉ tiêu quan trọng của mục tiêu chung thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Khi đánh giá mức độ tiến bộ của từng địa phương trong lĩnh vực này, không thể không đề cập đến con số nữ đại biểu được người dân tin tưởng giao trọng trách. Chính vì vậy, vấn đề tăng cường tỷ lệ cán bộ nữ và các giải pháp thúc đẩy phụ nữ tham chính được đặt ra một vấn đề quyết định cho kết quả thực hiện nhiệm vụ, các chỉ tiêu về bình đẳng giới của các cấp, các ngành, các địa phương.
Hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 64 đồng chí, trong đó cán bộ nữ có 6 đồng chí chiếm tỷ lệ 9,4%; Có 03 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chiếm 17.64%; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy Đảng ở cấp huyện 16,66%; cấp xã 20,6%; tỷ lệ nữ tham gia ĐBQH Khoá XIV đạt 30,8% (tăng 7,72% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm 27,5% (tăng 9.86% so với nhiệm kỳ trước), cấp huyện là 29,2%, cấp xã 28,1%; Số lượng cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay: Tổng số cán bộ, công chức tham gia lãnh đạo, quản lý là 1.449 người/2.781 tổng cán bộ, công chức, chiếm tỷ lệ 52,1%; Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý là 21,5%. Đó là những tiến bộ và kết quả tích cực của Nghệ An trong công tác cán bộ nữ, tuy nhiên kết quả đó vẫn chưa tương xứng với vai trò, vị thế và những đóng góp của phụ nữ tỉnh nhà.
Đồng chí Bùi Văn Hưng - Phó trưởng ban VSTBPN tỉnh, Phó GĐ Sở phát biểu khai mạc Hội thảo
Các báo cáo tham luận của đại biểu các Xã Sơn Hải, An Hòa, Quỳnh Giang thuộc huyện Quỳnh Lưu cũng đã phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân của bất cập và khó khăn ở địa phương, tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý đang còn thấp, nguồn cán bộ còn thiếu, ở một số lĩnh vực tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm; các vấn đề khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng được các đại biểu đề cập đến, như: Chủ trương, chính sách luật pháp tuy khá đầy đủ, nhưng việc triển khai áp dụng trên thực tiễn còn nhiều bất cập. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện còn hạn chế, thiếu các chính sách hỗ trợ cho nhóm phụ nữ đặc thù; nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác cán bộ nữ chưa đạt; vẫn còn định kiến giới. Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là của người đứng đầu còn chưa đầy đủ; Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở một số địa phương hoạt động chưa hiệu quả…
Trưởng Ban VSTBPN xã An Hòa phát biểu tham luận
Từ việc nêu lên thực trạng, kết quả công tác nữ trong giai đoạn vừa qua, các đại biểu đại diện cho Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Yên Thành, Diễn Châu, Thị xã Hoàng Mai tham dự Hội thảo đã trao đổi, chia sẻ và thảo luận một cách thực tiễn để đưa ra các giải pháp để tăng cường công tác cán bộ nữ, trong đó quan tâm đến các giải pháp đề xuất các chính sách cụ thể trong quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ, thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, bảo đảm yêu cầu phát triển liên tục bền vững đội ngũ nữ cán bộ, tránh tình trạng khi chuẩn bị bầu cử mới tìm kiếm nhân sự, để vai trò, vị thế của đội ngũ nữ cán bộ khi tham gia lãnh đạo, quản lý hay là đại biểu cơ quan dân cử được phát huy một cách hiệu quả nhất.
Phó trưởng Ban VSTBPN, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành phát biểu
Hội thảo đã đề cập đến các giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, cụ thể là bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, trong đó, một số giải pháp đã được đề cập đến: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; Thực hiện tốt hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Chú trọng đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ đối với cán bộ nữ, nhất là khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá và bổ nhiệm để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW về công tác phụ nữ; Tạo môi trường thuận lợi đi đôi với khơi dậy và phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đảm nhiệm một số nhiệm vụ trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa 12, trong đó liên quan đến việc sắp xếp, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ nữ; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật BĐG tại các địa phương, đơn vị; Huy động nguồn lực đảm bảo ngân sách nhà nước cho hoạt động BĐG.
Những ý kiến chất lượng, mang tính thực tiễn tại Hội thảo chính là căn cứ để Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh cùng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn tiếp theo cũng như triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ trong thời gian tới đạt nhiều kết quả tốt hơn.
Các đại biểu thảo luận, chia sẻ