Thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý

 20/07/2021

Công tác bình đẳng giới nói chung và công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Việt Nam đã có một khung pháp lý khá đầy đủ để bảo đảm quyền của phụ nữ trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tham chính. Tuy nhiên, để hướng tới việc bình đẳng giới thực chất, đòi hỏi người đứng đầu các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải cùng nhau hành động.

Những căn cứ pháp lý quan trọng

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020 và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị là những chương trình, chủ trương thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực tham chính đã chỉ rõ rằng: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”; phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Tinh thần bình đẳng giới trong chính trị cũng được khẳng định tại các kỳ đại hội Đảng gần đây. Tại Đại hội XII, Đảng ta đã nhấn mạnh, phải “tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước”. Tiếp theo đó, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%.

Đối với cán bộ lãnh đạo nữ trong bộ máy chính quyền nhà nước, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đề ra chỉ tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ’. Gần đây nhất, Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” đề ra mục tiêu “Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ”. Có thể nói, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
Thực trạng bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý
Trong các cấp ủy đảng: Kết quả đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua cho thấy, ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 20,8% (tăng 1,62%) so với nhiệm kỳ trước. Đối với cấp trên cơ sở đạt 17,4% tăng 2,41%. Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 15,73% và tăng 2,72% so với nhiệm kỳ trước.  
Trong các cơ quan dân cử: Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua đạt được những dấu hiệu tích cực, cụ thể: tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV là 30,26%, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 29%; cấp huyện là 29,8%; cấp xã là 28,98%. (Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, “bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND”). 
Trong bộ máy hành chính nhà nước cấp Trung ương và địa phương: Tính đến hết tháng 7-2020, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo nữ đạt 36,6% (11/30), trong đó có 11/16 nữ thứ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đến cuối nhiệm kỳ 2011-2015, tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt là: 32,14%; 32,64%; 21,95%.

Vấn đề đặt ra

Có thể thấy, công tác cán bộ nữ dù có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước, nhưng nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị; chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa tương xứng với tỉ lệ nữ chiếm 50% dân số cả nước. Hệ thống chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị chưa toàn diện, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản và các giai đoạn. Nếu Nghị quyết số 11-NQ/TW đặt ra phấn đấu đến năm 2020 có 25% trở lên cán bộ nữ tham gia cấp ủy thì Chỉ thị 35-CT/TW lại đặt ra “phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên”. Câu hỏi đặt ra, đến năm 2030, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp có thể đạt 20-25% như Nghị quyết Trung ương 7 đã yêu cầu?
Bên cạnh đó, chưa có các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo cấp vụ và tương đương, cấp phòng và tương đương trong bộ máy chính quyền nhà nước, các cơ quan của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Nếu không có tỷ lệ cụ thể ở các cấp này thì sẽ khó bảo đảm được tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt ở các cấp cao hơn.
Thực tế đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua cho thấy không ít các địa phương, đơn vị không đạt tỷ lệ nữ theo quy định. Trong khi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, quy định việc: “Cấp uỷ các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Xây dựng chỉ tiêu cơ cấu phù hợp, nếu chưa bảo đảm chỉ tiêu cơ cấu thì phải để trống, bổ sung sau; gắn việc thực hiện chỉ tiêu với trách nhiệm của cấp uỷ và người đứng đầu".
Tuy nhiên, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu bị xử lý thế nào thì chưa quy định rõ. Bên cạnh đó, việc sử dụng những cụm từ mềm như “phấn đấu” đã làm giảm tính “bắt buộc” trong các quy định; đồng thời, khó có cơ sở để xử lý trách nhiệm. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm tính quyết tâm trong quá trình thực thi chính sách bình đẳng giới.

Một số giải pháp

Một là, cấp ủy, người đứng đầu cần quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Chỉ đạo việc cụ thể hóa thành các quy định cụ thể tại cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt, cần có quyết tâm chính trị cao để bảo đảm việc thực hiện bình đẳng giới thực chất trong lãnh đạo, quản lý. Cần phải công tâm, khách quan, chủ động rà soát, phát hiện nguồn cán bộ nữ, tham mưu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị bố trí, sử dụng, phát huy năng lực, sở trường, tạo điều kiện để cán bộ nữ khẳng định bản thân, từ đó tập thể ghi nhận.

Hai là, chú trọng khảo sát, đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong toàn hệ thống chính trị; đề ra hệ thống các chỉ tiêu cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực và trong các khâu của công tác cán bộ, bảo đảm thống nhất, khoa học, phù hợp với thực tiễn và bối cảnh tình hình mới.
Ba là, các cơ quan Trung ương phải nêu gương trong việc triển khai thực hiện. Cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, kịp thời đánh giá, khen thưởng những nơi làm tốt và có chế tài cụ thể đối với những nơi chưa nghiêm túc thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu. 
Bốn là, cơ quan làm công tác tổ chức - cán bộ các cấp cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu về công tác cán bộ, nhất là cán bộ nữ. Ngoài việc nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, cần tập huấn thêm kiến thức về bình đẳng giới cho những cán bộ làm công tác tham mưu về công tác cán bộ.

                                                                                                                                                                                         Lê Tâm - Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương

Có thế bạn quan tâm ?

Nghệ An: Công tác bình đẳng giới chuyển biến tích cực và toàn diện

 11/10/2022

(laodongvacongdoan.vn) 15 năm thực hiện nghị quyết của Trung ương và Luật Bình đẳng giới (giai đoạn 2007 – 2022), các cấp, các ngành, cán bộ, Nhân dân Nghệ An đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh đề ra về công tác BĐG; tạo bước chuyển biến đồng bộ và hiệu quả.

Cơ hội trúng cử của nữ ứng cử viên - Phân tích từ kết quả bầu cử Quốc hội khóa XV

 16/08/2021

(Hội LHPN Việt Nam) - Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV đã diễn ra thành công, trong đó phải kể đến thành tích đạt tỷ lệ nữ đại biểu lên đến 30,26% - cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đã tăng cả về chất lượng và số lượng, dự đoán sẽ mang đến nhiều đóng góp tích cực cho Quốc hội và đất nước. Để có thể duy trì và phát huy kết quả này, cần giải quyết những hạn chế liên quan đến kết hợp cơ cấu ứng cử viên và sắp xếp ứng cử viên tại các đơn vị bầu cử.

Đề xuất sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới

 25/07/2021

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Nghệ An có 1590 nữ Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ các cấp

 21/11/2019

Đó là thông tin được báo cáo tại Hội nghị Tổng kết đánh giá hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Nghệ An năm 2019 được tổ chức sáng 21/11. Chủ trì hội nghị có đồng chí Đoàn Hồng Vũ – Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐTB &XH, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Tham dự hội nghị có đại diện Sở Nội vụ, Tỉnh đoàn, các sở, ban ngành, Hội phụ nữ các cấp...

Bình đẳng giới: Nhìn từ công tác cán bộ nữ ở Nghệ An

 22/11/2019

Mục tiêu số 1 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng Giới giai đoạn 2011-2020 là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã rất quan tâm công tác cán bộ nữ, từ tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm và chính sách cán bộ.

Tăng cường vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý và nữ đại biểu dân cử

 24/05/2019

Sáng nay (24/5/2019), tại thành phố Vinh, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Nghệ An tổ chức Hội thảo tăng cường vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý và nữ đại biểu dân cử.

Lựa chọn cán bộ nữ tiêu biểu, xuất sắc để bố trí, sử dụng hợp lý

 24/05/2019

Tiếp tục lựa chọn, phát hiện những cán bộ nữ tiêu biểu, xuất sắc, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội. Đó là ý kiến của đồng chí Võ Thị Minh Sinh –Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Công tác cán bộ nữ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

 06/05/2019

TCCSĐT - Trong nhiều năm qua, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”,

UBQG Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam triển khai kế hoạch công tác năm 2018

 06/05/2019

Ở Nghệ An, thời gian qua, công tác cán bộ nữ luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, nhờ đó đội ngũ cán bộ nữ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, thực tiễn công tác cán bộ nữ vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ TỈNH NGHỆ AN

Địa chỉ: Số 12 - Trường Thi - Tp Vinh - Tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 02383 598 899
Email: banvstbpnnghean@gmail.com