Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của UBND tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Ở Nghệ An, trong những năm qua công tác bình đẳng giới và "Vì sự tiến bộ của phụ nữ" luôn được các cấp ủy, chính quyền, các ngành quan tâm, nhất là từ khi có Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Hướng tới 100% nạn nhân được hỗ trợ
Mục tiêu tổng quát của Đề án là thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Người có nguy cơ bị bạo lực và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra và có cơ hội cải thiện nâng cao chất lượng sống, môi trường học tập và làm việc.
Tiết mục văn ghệ của Đoàn thanh niên tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chú trọng nhóm có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới; 100% nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện sẽ được hỗ trợ và can thiệp kịp thời; 85% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện sẽ được tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, 100% nạn nhân bị buôn bán trở về được phát hiện sẽ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; 100% các trường Trung học trên địa bàn tỉnh tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực học đường; 100% cán bộ theo dõi công tác bình đẳng giới các đơn vị, địa phương, đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tầm nhìn đến năm 2030: Trên cơ sở các cơ chế, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường thực thi pháp luật và đảm bảo hệ thống dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhằm hướng tới môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực; hình thành mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên nòng cốt từ tỉnh đến cơ sở.
Nghệ An khẳng định, Đề án nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về chính sách, pháp luật có liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử về giới và ảnh hưởng của bạo lực trên cơ sở giới tới sự phát triển bền vững của xã hội.
Hàng năm, tỉnh triển khai chiến dịch truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức “Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” (từ 15/11 đến ngày 15/12); hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (ngày 25/11); tổ chức “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” (từ ngày 01 – 30/6).
Nghệ An cũng triển khai các hình thức truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với từng nhóm đối tượng của Kế hoạch theo từng địa phương. Xây dựng mạng lưới người có ảnh hưởng trong xã hội để truyền tải thông điệp về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tập huấn nâng cao năng lực về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho đội ngũ cán bộ có uy tín tại cộng đồng, ở cơ sở. Tuyên truyền, giáo dục về phòng ngừa bạo lực trên môi trường mạng, ép phụ nữ kết hôn với người nước ngoài vì lý do kinh tế và phân biệt đối xử vì lý do giới tính.
Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương trình, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với vùng, miền, địa phương trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng như xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tin, bài… về việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Nghệ An coi trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới. Triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới.
Trong đó chú trọng một số mô hình như “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”, “ Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng” để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới. Xây dựng và nhân rộng mô hình “Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực”…
Nhiều giải pháp đồng bộ
Để thực hiện tốt Đề án này, Nghệ An tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau: Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Thứ hai, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân về công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Thứ ba, củng cố và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị, địa phương, cộng tác viên cơ sở về công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Vai trò của đoàn thanh niên được tỉnh chú trọng phát huy
Thứ tư, xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng các mô hình Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái; trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực; mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cộng đồng...
Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp liên ngành; Chú trọng phát huy vai trò của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên của các khối, xóm, bản, làng trong triển khai các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Thứ sáu, tăng cường nguồn lực thực hiện có hiệu quả các nội dung hoạt động của Kế hoạch đề ra.
Thứ bảy, thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, kết quả thực hiện hoạt động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ tám, biểu dương, khen thưởng: Xem xét khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong các đợt sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch./.