Hành động để thay đổi

 11/12/2019

Với tinh thần “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, Nghệ An tiếp tục hành động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của mọi người về thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực phụ nữ và trẻ em gái.

Chấm dứt bạo lực

Bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ và trẻ em không chỉ là các nạn nhân phổ biến của tình trạng này mà còn là đối tượng dễ bị mua bán, xâm hại và quấy rối tình dục tại nơi học tập, nơi làm việc, khu du lịch, khu vực công cộng... Tại Nghệ An, từ năm 2015 đến hết tháng 6 năm 2019 đã có 114 trẻ em bị xâm hại; Từ năm 2008 đến 2018, toàn tỉnh thống kê được 7.990 vụ bạo lực gia đình; Riêng năm 2018, Công an tỉnh đã tiếp nhận xử lý 10 vụ việc liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới có dấu hiệu tội phạm (3 vụ hiếp dâm trẻ em, 3 vụ chồng cố ý gây thương tích cho vợ, 1 vụ bạo lực trẻ em), 4 vụ mua bán người, mua bán trẻ em, nạn nhân của các vụ việc trên chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái với 14/15 nạn nhân (chiếm 93,3%)…  Muốn ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới thì trước hết cần loại trừ tình trạng bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, khi quan niệm về bất bình đẳng giới, sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc bất chấp pháp luật vẫn tồn tại; sự thiếu kiểm soát hành vi do những áp lực trong cuộc sống gia đình; công tác quản lý của các cấp, các ngành liên quan vẫn còn hạn chế; chế tài xử phạt đối với những người gây ra bạo lực vẫn có những bất cập… thì bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em vẫn còn là một thực trạng, cần sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, gia đình, cộng đồng xã hội.

Trong những năm qua, nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như: Kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 30/3/2017 về thực hiện đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh… đem lại hiệu quả thiết thực.

Vun đắp yêu thương

Hàng năm, Tháng hành động vì trẻ em, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã trở thành những hoạt động thường niên, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng về công tác bảo vệ trẻ em, chung tay phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. 21/21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng và có ý nghĩa thiết thực tại cơ sở, những kiến thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được phổ biến đến nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...

Nhiều mô hình đã được xây dựng và nhân rộng tại nhiều địa phương. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 2.731 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 5.924 tổ hòa giải với 38.630 hòa giải viên; 19 mô hình phòng, chống BLGĐ nhân rộng ra tại 480 phường, xã, thị trấn; 2.226 CLB phòng, chống BLGĐ; 150 CLB trợ giúp pháp lý; 7 loại hình mô hình về bình đẳng giới tại 24 xã, phường, thị trấn, trong đó, có 2 mô hình “Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới”, 3 mô hình “Truyền thông về công tác bình đẳng giới”, 4 mô hình “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đối với vị thành niên”, 5 mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”, 3 mô hình “Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp”, 4 mô hình địa chỉ tin cậy nhà tạm lánh tại cộng đồng, 3 mô hình “Câu lạc bộ nữ Công nhân nhà trọ”; Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 đi vào hoạt động thường xuyên là kênh trợ giúp kịp thời, cần thiết cho mọi trẻ em và gia đình về các vấn đề trẻ em đặc biệt là bạo lực, xâm hại.

Tại phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò), CLB “Phụ nữ tự lực” và “Nam giới trách nhiệm” ra đời góp phần đẩy lùi, ngăn chặn và hàn gắn những hậu quả do BLGĐ gây ra. CLB “Phụ nữ tự lực” do chị Nguyễn Thị Trinh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường làm chủ nhiệm. Thời gian đầu chỉ có 14 thành viên, đến nay đã vận động được 36 chị em tham gia. Chị Nguyễn Thị Trinh - Chủ nhiệm CLB cho biết: Nội dung sinh hoạt phong phú, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao kiến thức về pháp luật, BĐG, phòng, chống BLGĐ… với nhiều hình thức hấp dẫn như: Giao lưu văn nghệ, vẽ tranh, làm thơ với chủ đề “Hội họa kết nối yêu thương”, tâm sự “Chia sẻ những điều muốn nói”… Từ đây, những người phụ nữ bị bạo hành tìm được chỗ dựa, mạnh dạn lên tiếng về những oan ức, dám đối mặt với hoàn cảnh và biết mình không đơn độc. Chính những hoạt động ý nghĩa đã động viên chị em cùng nhau cố gắng nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh.

Bên cạnh đó, Nghệ An đã và đang ưu tiên các nguồn lực để thu hẹp dần khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực, trong đó, quan tâm đến việc thúc đẩy phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị. Các địa phương đã có nhiều chính sách cụ thể trong tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ, tạo điều kiện cho nhiều chị em phấn đấu và trưởng thành. Đội ngũ cán bộ nữ được tham gia cấp ủy và cơ quan dân cử các cấp, đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý tăng qua các nhiệm kỳ.

Xã Thanh Long là nơi có nữ Bí thư Đảng ủy xã duy nhất của huyện Thanh Chương. Thanh Long từng là điểm “nóng” về an ninh trật tự và hạ tầng cơ sở yếu kém, nay đã có nhiều khởi sắc. Thành quả trên có sự đóng góp của Bí thư Đảng ủy xã Trần Thị Hằng. Nếu đầu nhiệm kỳ, xã Thanh Long mới đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới, thì hiện có thêm 4 tiêu chí hoàn thành. Đặc biệt, trong vòng 4 năm, xã đã huy động từ doanh nghiệp, con em xa quê hơn 23 tỷ đồng xây dựng 2 trường mầm non và THCS đạt chuẩn; huy động hơn 30 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống cầu cống, kênh mương thủy lợi; động viên mọi nguồn chăm lo người nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 27% đầu nhiệm kỳ xuống còn 4,8% vào cuối năm 2018… Ông Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương khẳng định: Nhiều cán bộ nữ thực sự nổi trội, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động chính trị, xây dựng nông thôn mới.

Những điểm sáng về mô hình hay, cách làm tốt tại nhiều địa phương cho thấy rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh ngày càng quyết tâm trong xây dựng một môi trường sống an toàn, văn minh. Đó là những tín hiệu vui, những bước chuyển biến tích cực, thay đổi từ nhận thức đến hành động để cả cộng đồng cùng chung tay phòng chống, xóa bỏ vấn nạn bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, vun đắp yêu thương từ gia đình, lan tỏa hạnh phúc đến cộng đồng.   

Với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019, hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với Phụ nữ và Trẻ em gái 25/11, nhiều hoạt động diễn ra trên toàn tỉnh như: Lễ phát động điểm của tỉnh tổ chức tại huyện Yên Thành, ký cam kết thực hiện bình đẳng giới tại địa phương, các đợt truyền thông bình đẳng giới tại nhiều địa bàn vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số tiếp tục là chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, cao điểm, vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, hướng tới bình đẳng giới trong toàn xã hội.

     Kiều Anh

Có thế bạn quan tâm ?

Nghệ An tuyên dương 40 nữ cán bộ quản lý, nữ chủ tịch công đoàn ngành Giáo dục

 17/10/2022

(Baonghean.vn) - Sáng 17/10, Công đoàn ngành giáo dục tổ chức buổi Gặp mặt biểu dương nữ cán bộ quản lý, nữ chủ tịch công đoàn tiêu biểu giai đoạn 2019 - 2022.

Hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ

 26/12/2019

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, Nghệ An đã tập trung đẩy mạnh công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) và bình đẳng giới. Qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là trên lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và công tác cán bộ nữ.

Tập huấn bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

 08/12/2019

(Quỹ JIFF) Ngày 07 – 08/12/2019, 33 học viên đến từ huyện Thanh Chương, Nghệ An đã cùng tham gia 2 ngày tập huấn về “Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật”. Đây là chương trình dành riêng cho cha mẹ, anh chị em trong gia đình của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, nhận biết bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ & trẻ em gái khuyến tật

Báo Nghệ An đạt giải tại cuộc thi viết về bình đẳng giới năm 2018

 15/12/2018

(Baonghean.vn) - Chiều 14/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức trao giải cuộc thi Viết về bình đẳng giới năm 2018. Báo Nghệ An đã đạt giải Khuyến khích với chuyên đề "Tảo hôn và những hệ lụy" (2 kỳ) của nhóm tác giả Khánh Ly - Hoài Thu.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ TỈNH NGHỆ AN

Địa chỉ: Số 12 - Trường Thi - Tp Vinh - Tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 02383 598 899
Email: banvstbpnnghean@gmail.com