Bạo hành gia đình - Nỗi đau còn đó

 25/08/2016

Bạo hành gia đình - Nỗi đau còn đó

Muôn kiểu bạo hành gia đình

 

Xã hội ngày càng phát triển, bạo hành gia đình (BHGĐ) cũng diễn ra khá phức tạp với nhiều loại hình: Bạo hành về thể xác, bạo hành về tinh thần/tình cảm, bạo hành về tình dục và bạo hành cả về kinh tế. Và trong thực tế, dù là bạo hành về tinh thần, tình dục, hay về kinh tế thì phần nhiều đều dẫn đến bạo hành về thể xác. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Nghệ An vào cuối năm 2015 cho thấy, bạo hành về thể xác chiếm gần 70% (498/764 hộ có bạo hành). Điều đáng lo ngại là bạo hành về thể xác ngày càng nguy hiểm hơn bởi đàn ông sẵn sàng xuống tay với vợ bằng bất cứ vật dụng nào, từ cái quạt điện, cái chày gỗ, con dao đi rẫy, cái kéo, thậm chí cả cái bát dùng trong bữa cơm hàng ngày. Có người dùng cả roi điện hành hung vợ. Có kiểu hành hung vợ quá dã man như thời trung cổ. Chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1978, trú tại xã Nghi Diên, Nghi Lộc) không chỉ bị chồng nhiều lần đánh đập, hành hạ, từ túm tóc kéo, bóp cổ, dí roi điện, mà còn áp tô sắt đã nướng nóng đỏ vào má,… Chị Lý Thị Thủy trú tại xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn bị người chồng vũ phu, hung hãn đánh đập như cơm bữa phải vào Nam lánh nạn, lâu lâu về thăm nhà một lần nhưng mỗi lần về chị phải nhanh chóng khăn gói ra đi bởi chồng rượt đuổi, dọa chém. Xồng Bá Xênh (huyện Tương Dương) đang tâm cầm dao phang vào cổ vợ sau mười năm chung sống,… Và còn rất nhiều, rất nhiều vụ đánh đập, ngược đãi, hành hạ vợ đang diễn ra hàng ngày trong các gia đình ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh.

 

Không chỉ bạo hành về thể xác mà bạo hành về tinh thần/tình cảm, về tình dục diễn ra cũng không ít. Có người chồng (làm trong cơ quan hành pháp) không bao giờ đánh vợ nhưng cứ rượu vào là đập phá đồ đạc trong nhà, chửi mắng vợ thậm tệ. Thậm chí đến cả cơ quan và nhà bố mẹ vợ chửi bới, lăng nhục với mục đích làm cho vợ mất mặt với đồng nghiệp, người thân. Có thượng tá quân đội về hưu, trước mặt con cái và người thân thì tỏ ra quan tâm, thương vợ nhưng đêm nằm lại chì chiết, đay nghiến không cho vợ ngủ. Có thầy giáo, ra ngoài rất nho nhã, lịch thiệp nhưng về nhà lại thường xuyên chửi bới, đay nghiến vợ. Có người chồng ở TP Vinh làm nhục vợ bằng cách bắt vợ quỳ trước cổng nhà trước sự chứng kiến của bao nhiêu người dân khối phố,… Nhiều trường hợp, vợ không đáp ứng được trong chuyện chăn gối, sinh ra lục đục, hành hạ vợ. Lại có trường hợp bắt vợ chiều theo sở thích của mình mà vợ không muốn,… Rất nhiều vụ bạo hành tình dục mà không tiện nêu tên.

 

Thường thì phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của BHGĐ nhưng chính phụ nữ là người gây nên BHGĐ cũng không phải là hiếm. Qua tổng hợp của Sở VH,TT&DL năm 2015, có tới 106 hộ gia đình có BHGĐ do phụ nữ gây nên, trong đó, nhiều nhất là huyện Kỳ Sơn với 40 trường hợp, Anh Sơn: 27, Quỳ Hợp: 15 và Tân Kỳ: 10 trường hợp. Có người chồng ở TP Vinh không chịu đựng nổi người vợ của mình luôn ghen tuông vô cớ rồi còn lôi kéo cả con cái về mình, chia rẽ tình cảm cha con đã gửi đơn xin ly hôn ra tòa.

 

Đã xa rồi cái thời mẹ chồng luôn xét nét, hành hạ nàng dâu nhưng ngay tại TP Vinh vẫn còn có gia đình bố mẹ chồng thường xuyên chửi bới con dâu. Chị T làm trưởng phòng của một cơ quan truyền thông, nhiều lần chửi bới chị, bố chồng chị còn réo cả tên bố mẹ đẻ chị ra chửi. Thương chồng, con, chị cố chịu đựng và làm tròn bổ phận của con dâu. Nhiều hôm chị trải lòng với đồng nghiệp trong nước mắt ngắn dài.

 

Đâu là nguyên nhân?

 

Bạo hành gia đình do nam giới gây ra là chủ yếu và do nhiều nguyên nhân: nghiện ma túy, cờ bạc, bia rượu; ghen tuông nghi ngờ vợ ngoại tình, do mặc cảm thua kém vợ về địa vị xã hội hay về kinh tế, có khi chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ do bất đồng quan điểm trong chăm sóc, nuôi dạy con cái. Anh T ở xã Nghi Kim, TP Vinh vì máu me cờ bạc dẫn đến nợ nần chồng chất. Vợ nhiều lần khuyên giải không những không thay đổi mà còn đánh đập khiến vợ phải gửi đơn ra tòa xin ly hôn. Chị Hồng (Nghi Diên, Nghi Lộc) bị chồng đánh đập vì ghen vợ (do vợ hay nhắn tin, gọi điện, chát chít với nhiều người đàn ông khác trên mạng) và do vợ tham gia bán hàng đa cấp bị lừa lấy hết tiền. Chỉ vì một vết xước trên chiếc xe máy mới mua mà Xồng Bá Xênh đã chửi bới, nhiếc móc vợ cay độc đến mức vợ không chịu được bỏ trốn lên rẫy, Xênh đã tìm thấy và thẳng tay chém vợ. Chị T, phường Lê Mao, TP Vinh chỉ vì cho con ăn bằng cái thìa quá to, vợ chồng lời qua tiếng lại rồi bị chồng cho mấy cái bạt tai vậy là nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Tôi hỏi lý do đơn giản vậy sao, T thành thật: “Cũng tại em lắm mồm nên mới bị chồng đánh”.

 

Từng xét xử nhiều vụ án về hôn nhân gia đình, các thẩm phán Ngô Thị Hoa và Lê Thị Hải Yến (TAND TP Vinh) chia sẻ: Phần lớn phụ nữ đứng đơn xin ly hôn vì bị bạo hành, và bạo hành do nguyên nhân nghiện ma túy, cờ bạc chiếm khoảng 50%. Nhiều người chồng nghiện, tại tòa rất lịch sự, nhã nhặn “vợ là số một” nhưng về nhà lại đánh đập vợ chí chết. Cũng có anh chồng ngáo đá, gây sự tại tòa, đòi đánh cả thẩm phán nếu xử cho vợ ly hôn. Có anh chồng say rượu, vợ chậm mở cửa liền bị một trận đòn tơi bời. Có anh chồng, vợ nấu ăn không hợp khẩu vị đã ném thẳng bát cơm vào mặt vợ. Những người vợ có chồng nghiện ma túy thì bị đánh đập như cơm bữa mà chẳng giám trình báo trong đơn vì sợ chồng đánh đập nặng hơn. Chỉ khi nào, người chồng vào trại cải tạo hay cai nghiện thì mới dám nói ra sự thật. Cũng có anh chồng mặc cảm hèn kém thua vợ về kinh tế, địa vị xã hội, mượn rượu quậy phá, nói xấu vợ khắp nơi, chê bai vợ ngay tại tòa nhưng lại không đồng ý ly hôn. Có nhiều đôi vợ chồng không còn tình cảm với nhau nữa, cũng không muốn nuôi con nhưng vì cay cú với đối phương không chịu buông tha cho nhau, cố tình níu kéo để hành hạ, trả thù nhau cho bõ tức,…

 

Quan niệm “chồng chúa vợ tôi”, bạo hành là chuyện riêng của mỗi gia đình, nói ra khác nào “vạch áo cho người xem lưng” “xấu chàng hổ ai”, tư tưởng cam chịu của người phụ nữ,... đã khiến cho tệ nạn BHGĐ khá phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Trong 764 gia đình có bạo hành ở Nghệ An năm 2015 thì ở Kỳ Sơn có tới 107 gia đình, Quỳ Hợp: 97 gia đình, Anh Sơn: 91 gia đình, Tương Dương 85 gia đình, Nghi Lộc: 69 gia đình. Đã có rất nhiều bà vợ bị những trận đòn thừa sống thiếu chết mà vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần mà không giám tố cáo bởi họ sợ mọi người chê cười, sợ họ hàng dè bỉu, con cái xấu hổ với bạn bè, làng xóm… Hàng ngày trực tiếp nhận các đơn xin ly hôn, Chị Nguyễn Thị Thủy ở TAND TP Vinh cho biết, phần lớn phụ nữ đứng đơn xin ly hôn là do bị chồng bạo hành nhưng trong đơn chỉ ghi là do tính tình không hợp mới mong được giải thoát nhanh chóng. Có người đến tòa với khuôn mặt, tay chân tím bầm nhưng trong đơn vẫn không dám viết là bị chồng đánh. Chính tư tưởng cam chịu, tránh né của vợ đã vô tình bao che cho thói vũ phu của các ông chồng.

 

Ai cũng biết, BHGĐ để lại hậu quả nặng nề cho người thân trong gia đình và cho xã hội. Nạn nhân bị bạo hành thường bị khủng hoảng về tinh thần, đau đớn về thể xác, gia đình tan đàn sẻ nghé nếu ly hôn. Các gia đình thường xuyên có bạo hành, con cái khó có được hướng đi đúng và niềm tin vào cuộc sống sau này. Cũng đã có nhiều cái chết thương tâm từ các vụ BHGĐ. Đã gần một năm trôi qua nhưng ông Trung và bà Xuân ở xã Nam Thanh, Nam Đàn vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau đớn xót xa khi đứa con gái của mình cùng đứa cháu ngoại mới 9 tháng tuổi bị chết cháy do chính con rể là G tưới xăng đốt sau khi uống rượu với bạn về. Vợ và đứa con thứ 2 bị chết, G vào tù, đứa con trai đầu mới hơn 3 tuổi thành trẻ mồ côi. Sau này, không biết G phải đối diện với đứa con đầu này như thế nào. Anh BKT xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn đã trói đứa con trai mới học lớp 2 vào cành cây rồi chất rơm dưới chân để đốt chỉ vì cháu lỡ ăn trộm của bà nội một gói mì tôm. Tưởng “dọa cho chừa”, ai ngờ lửa bén quá nhanh, khiến cháu bị bỏng nặng. Cậu thanh niên NQN (con của chị Thủy ở xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn) đã phải sống như địa ngục khi người bố thích bạo hành và đánh vợ như cơm bữa. Mẹ N đi lánh nạn trong Nam, bố N trút mọi bực dọc lên đầu 2 anh em N. Những bữa cơm dọn ra, bố N bê cả mâm hất ra sân rồi dùng dao chặt hết nồi niêu. Uất hận dồn nén lâu ngày, trong một lần chứng kiến bố đánh mẹ, N đã đánh bố để bảo vệ mẹ và phải lãnh án 5 năm tù. Mẹ N bị chồng bạo hành suốt hơn chục năm trời nay lại phải đau đớn nhìn con vướng vào vòng lao lý. Con đánh bố là phạm tội bất hiếu nhưng chính sự bạo hành của người bố đã đẩy N vào bi kịch này. 5 năm tù, N mất đi cả một tuổi thanh xuân tươi đẹp, một phần tương lai khi cuộc đời của em chỉ mới bắt đầu. Ở quê lúa Yên Thành, trong năm 2015 đã có 6 phụ nữ tử vong do BHGĐ mà trường hợp chị D xã Sơn Thành là một ví dụ. Chị bị chồng bạo hành từ nhiều năm phải lánh nạn tại nhà bố mẹ đẻ. Chồng chị đến tìm, cố níu kéo vợ quay về không được đã đánh đập và chém chết vợ một cách dã man. 13 năm tù giam là cái giá phải trả cho người chồng mất nhân tính này. 

 

Các vụ ly hôn dù trực tiếp hay gián tiếp đều có nguyên nhân từ BHGĐ. Thống kê của TAND TP Vinh cho thấy, số vụ án hôn nhân và gia đình được thụ lý ngày càng tăng: Từ 498 vụ/2010 lên 577 vụ/2012, 660 vụ 2013 và 792 vụ/2015. Từ năm 2013 đến hết tháng 5/2016, TAND các cấp trong tỉnh đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 483 vụ ly hôn do đánh đập, ngược đãi.

 

Phòng chống nạn BHGĐ cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng và trước hết là làm thay đổi nhận thức hành vi trong quan hệ ứng xử tại gia đình. Mọi thành viên trong gia đình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm thì sẽ không có BHGĐ./.

 

 

 

                                                                                                            Ngọc Mai

 

 

Có thế bạn quan tâm ?

DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới

 07/03/2023

(molisa.gov.vn) Với chủ đề “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới”, Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, các nhà hoạt động và khu vực tư nhân cùng nỗ lực để làm cho thế giới kỹ thuật số an toàn hơn, toàn diện hơn và công bằng hơn.Chủ đề của ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2023 “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” phù hợp với chủ đề ưu tiên cho Phiên họp thứ 67 sắp tới của Ủy ban về Địa vị Phụ nữ (CSW-67), “Đổi mới và thay đổi công nghệ, và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để

Phụ nữ Nghệ An nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em

 28/11/2022

(Baonghean.vn) - Sáng 28/11, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em"; tập huấn cán bộ cấp tỉnh, huyện theo Chương trình 2 về phát triển năng lực lồng ghép giới.

Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản

 03/12/2022

(Baonghean.vn) - Sáng 3/12, tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản.

Nghệ an với việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới trong gia đình

 01/07/2015

Đối với tỉnh Nghệ An, công tác bình đẳng giới trong gia đình đã và đang từng bước được triển khai, thực hiện. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Nghệ An đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề gốc rễ dẫn đến bất bình đẳng giới trong gia đình.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ TỈNH NGHỆ AN

Địa chỉ: Số 12 - Trường Thi - Tp Vinh - Tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 02383 598 899
Email: banvstbpnnghean@gmail.com