Nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ

 06/05/2019

Phỏng vấn ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐTBXH, Phó Ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh xung quanh những vấn đề liên quan.

Phóng viên: Công tác phụ nữ là vấn đề lớn, quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông có thể cho biết, công tác bình đẳng giới và VSTBPN của tỉnh ta được triển khai như thế nào, đạt hiệu quả ra sao?

        Ông Nguyễn Bằng Toàn: Nghệ An là tỉnh có dân số gần 3 triệu người, đứng thứ tư toàn quốc, trong đó  dân số nữ chiếm tỷ lệ 50,5%, dân số khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 85,1%. Đây là tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung dân số của cả nước. Xác định công tác phụ nữ là vấn đề lớn, quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xuất phát từ vai trò, vị trí của phụ nữ trong thời gian qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương, Nghị quyết, cơ chế chính sách đối với phụ nữ, đặc biệt là ngày 27/4/2007 Bộ chính trị đã có Nghị quyết số 11 về công tác phụ nữ  trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 18/5/2012 về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với công tác Bình đẳng giới; UBND tỉnh đã có quyết định số 2510/QĐ-UBND ngày 09/7/2012 ban hành kế hoạch thực hiện NQ 11 của Bộ chính trị và NQ số 57/2009/NQ-CP của Chính phủ. Hiện nay, các huyện, thành, thị và các xã, phường, thị trấn vẫn tiếp tục đẩy mạnh, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ chính trị, Nghị quyết 57 của Chính phủ và Quyết định số 2510/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An một cách nghiêm túc; UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện lồng ghép công tác bình đẳng giới vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và gia đình. Nhờ đó mà trong thời gian qua công tác phụ nữ và bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Công tác quy hoạch cán bộ nữ được gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng. Quan tâm chỉ đạo tăng tỷ lệ nữ trong các khóa đào tạo, ưu tiên bố trí cho phụ nữ tham gia các loại hình đào tạo phù hợp. Tỷ lệ phụ nữ giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo các cấp, các ngành trong giai đoạn 2011 - 2015 năm sau cao hơn năm trước, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2011 - 2015 có 6 nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó 01 nữ Ban thường vụ giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nhiệm kỳ 2015 - 2020 có 08 nữ tham gia cấp ủy, 02 nữ tham gia Ban thường vụ Tỉnh ủy. Ở cấp huyện: Bí thư: 1/21 = 4,76%; Phó Bí thư 2/45 = 4,44%; Ủy viên BTV 31/243 = 12,75%; Ủy viên BCH Đảng bộ huyện 132/807 = 16,35%, tăng 0,57% so với nhiệm kỳ trước.  Cấp cơ sở: Bí thư: 25/480 = 5,2%; Phó Bí thư 86/800 = 10,75%; Ủy viên BTV 210/2204 = 9,52%; Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh 1464/6937 = 21,1%, tăng 2,91% so với nhiệm kỳ trước. Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nông thôn đã được tỉnh quan tâm triển khai.Riêng năm 2015, đã tạo việc làm cho 37.500 người, trong đó tỷ lệ nữ đạt 43% vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đến nay đạt 25%. Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 15,76% trong giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đến nay đạt 79,57%.

        Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới, thời gian qua đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bình đẳng giới và VSTBPN. Cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác bình đẳng giới, các lớp nâng cao năng lực, đào tạo giảng viên nguồn do Bộ Lao động – TB&XH tổ chức. Tham dự các hội nghị, hội thảo tham vấn về công tác bình đẳng giới và kinh nghiệm tổ chức bộ máy làm công tác bình giới đã dần hình thành nên một bộ phận cán bộ nòng cốt có đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng để tổ chức triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Thực hiện lồng ghép giới trong nhiệm vụ của ngành và trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.

        Phóng viên: Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực, đặc biệt là  với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội. Đây  cũng là một trong những vấn đề “ nóng” và khá phức tạp. Để góp phần giảm thiểu tình trạng này, với vai trò là cơ quan thường trực, Sở LĐTBXH đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

        Ông Nguyễn Bằng Toàn: Để giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, xác định rõ trách nhiệm cơ quan thường trực của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ, Sở Lao động - TB&XH đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan thông tin, truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về: bình đẳng giới trong gia đình; ngăn ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; đồng thời, chủ động xây dựng các mô hình điểm nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới như: mô hình “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đối với vị thành niên” tại  các huyện Tương Dương,Con Cuông, Diễn Châu và Thị xã Cửa Lò, Thái Hòa; “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại huyện Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, “Truyền thông về công tác bình đẳng giới” tại các huyện Kỳ Sơn,Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, “Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới”  tại Quỳ Châu, Yên Thành. Ngoài ra các đơn vị như  Ban Dân tộc tỉnh chủ trì xây dựng mô hình “Dịch vụ tư vấn hỗ trợ về bình đẳng giới” tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng mô hình “Xây dựng sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”  tại huyện Con Cuông, từ năm 2015 mô hình này được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

        Từ các hoạt động truyền thông giáo dục nêu trên giúp người dân nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới, nguyên nhân và tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng.

Để bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái hiệu quả hơn nữa, trung ương cần xây dựng hệ thống dữ liệu về bạo lực trên cơ sở giới một cách có hệ thống theo cấp quốc gia, tỉnh, huyện, xã có cơ sở đánh giá thực trạng và nghiên cứu đề xuất các chính sách phù hợp thực tiễn nhằm phòng, chống vấn đề bạo lực trên cơ sở giới. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về bạo lực trên cơ sở giới dưới nhiều hình thức và lồng ghép vào các chương trình, dự án. Trong đó, tăng cường xây dựng các tài liệu truyền thông về bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường sự tham gia của nam giới vào việc ngăn ngừa, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa các ban, ngành và các cấp mang tính quyết định trong việc bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khỏi các hành vi bạo lực trong gia đình cũng như cộng đồng.

        Phóng viên: Tuy đã đạt được những kết quả như vậy nhưng nhìn chung công tác bình đẳng giới và VSTBPN vẫn còn nhiều khó khăn. Để công tác bình đẳng giới và VSTBPN ngày càng tốt hơn, thời gian tới, chúng ta sẽ tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Bằng Toàn: Có thể khẳng định những năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy – UBND tỉnh và sự tập trung vào cuộc của hệ thống chính trị nên công tác VSTBPN đã ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân ghi nhận. Hoạt động của Ban VSTBPN đã góp phần thúc đẩy các mục tiêu về bình đẳng giới của tỉnh đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số sở ban ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bình đẳng giới và hoạt động VSTBPN của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với hoạt động VSTBPN và công tác bình đẳng giới. Khi xây dựng các chỉ tiêu, các cơ chế chính sách phát triển kinh tế xã hội đều phải gắn với sự phát triển vì sự bình đẳng của phụ nữ, xem đây là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, địa phương hàng năm. Tổ chức các hoạt động thiết thực để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này: Chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nhằm tăng cường tỷ lệ nữ tham gia vào HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020; Tổ chức tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm với các nữ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trên địa bàn toàn tỉnh bàn biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị"; "Các giải pháp tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021"; Đối thoại chính sách về cán bộ nữ; Xây dựng và ban hành Cẩm nang dành cho nữ ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đặc biệt, triển khai thực hiện “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11 đến ngày 15/12; tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho hoạt động VSTBPN và công tác bình đẳng giới. Tăng cường công tác kiểm tra về việc thực hiện chính sách cán bộ nữ và công tác bình đẳng giới. Phối hợp liên ngành xây dựng cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới phục vụ công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách về bình đẳng giới. Áp dụng Bộ chỉ số giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

                                                                     Thanh Thủy (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Có thế bạn quan tâm ?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ TỈNH NGHỆ AN

Địa chỉ: Số 12 - Trường Thi - Tp Vinh - Tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 02383 598 899
Email: banvstbpnnghean@gmail.com